Vài nét họ Đinh xã Hưng Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái
Là một dòng họ có bề dày lịch sử, gắn với những bước thăng trầm của đất nước, họ Đinh làng Kháo (Nay thuộc xã Hưng Thịnh – huyện Trấn Yên – Yên Bái) tự hào về những gì đã đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước nói chung và quê hương nói riêng.
“Hoa thơm quả ngọt ngon nhờ gốc;
Đức toả non sông phúc ấm nhà”.
Trong nhiều thập kỷ qua, Nhờ phúc ấm tổ tiên con cháu dòng họ Đinh làng Kháo ngày càng đông đúc, chăm chỉ siêng năng. Thừa kế hương hoả của tổ tiên để lại là ruộng đất, nương vườn, nên hầu hết cháu con đều sống bằng nghề làm ruộng, vui thú điền viên. Bên cạnh đó cũng có nhiều người học hành tiến bộ, giữ các chức vụ cao trong làng, xã, huyện, tỉnh. Họ Đinh Hưng Thịnh cũng là dòng họ có truyền thống yêu nước, cần cù lao động, sáng tạo, đoàn kết thống nhất trong nội tộc. Đặc biệt là truyền thống hiếu học “Tôn sư, trọng đạo”, cầu tiến bộ nên đã có nhiều người trở thành nhà giáo, Bác sỹ, kỹ sư, sỹ quan quân đội, công an, cán bộ lãnh đạo các địa phương, các ngành công tác ở mọi miền của đất nước.
Theo tài liệu của cụ cố Đinh Lãnh để lại thì đến đầu kỷ thứ XXI (Năm 2023), họ Đinh làng Kháo (Nay là Hưng Thịnh) đã có đến đời thứ 11, tính ra khoảng gần 400 năm, cụ Tổ họ Đinh cũng là người bổ nhát cuốc đầu tiên cùng với cụ tổ của các dòng họ khác để khai sinh ra làng Kháo nay là xã Hưng thịnh huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái. Do có công “khai thiên lập địa” nên cụ được nhân dân đồng tình suy tôn là Thổ Đạo, thổ Đạo lúc bấy giờ là người thu thuế và quản lý cả Đinh và Điền, là người phân chia ruộng nương cho nhân dân làm ăn sinh sống. Không như thổ Ty lang đạo ở vùng Tây bắc dùng thần quyền, thần phục để bóc lột nhân dân, thổ Đạo làng Kháo chuyên làm việc thiện với đạo lý làm người, ăn ở phúc đức, thờ phụng tổ tiên, thờ cúng thần núi, thần khe suối, thần cây cổ thụ, thần những linh vật mà người đời tôn linh vì lúc bấy giờ nhiều hiện tượng tự nhiên gắn với những hiện tượng xã hội, gia đình mà khoa học chưa giải thích được. Từ đầu thế kỷ 19 họ Đinh đã cùng với nhân dân trong làng đồng tình đóng góp sức người, sức của dựng lên một ngôi đình làng gọi là đình làng Kháo để thờ cúng thần hoàng làng, thần núi, thổ địa, cầu cho lúa tốt mạ lên, con người khỏe mạnh. Theo lệ làng thì hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng giêng dân làng tổ chức lễ hội, nhân dân các xã lân cận cũng nô nức đi lễ hội đình làng Kháo. Sau đó Đình làng bị giặc Pháp đốt phá, thất lạc sắc phong nên không được khôi phục lại được nữa. (Đây là điều đáng tiếc của làng Kháo nói chung và dòng họ Đinh nói riêng).
Họ Đinh Hưng thịnh (Gồm cả ở các xã Hưng khánh, Hồng ca, Lương thịnh, Việt Hồng, Việt cường, TP Yên Bái) thuộc dòng họ Đinh Văn, Dân tộc Tày nhưng thực tế là người Kinh từ miền xuôi lên (Thuộc bắc trung bộ).
Di ngôn các cụ nói lại rằng cụ Viễn Tổ Họ Đinh từ miền xuôi lên định cư ở Hào Gia, Yên Bái, cụ sinh hạ được 04 người con trai, sau khi cụ ông qua đời thì các con mỗi người đi làm ăn mỗi nơi, cụ con trai thứ 3 là Đinh Đình Kiến vào sinh sống tại làng Kháo kết hôn với cụ Nguyễn Thị Nguyên và là cụ tổ của dòng họ Đinh Hưng Thịnh hiện nay.
Mộ chí cụ tổ Đinh Đình Kiến và cụ Bà Nguyễn Thị Nguyên táng tại Hai nước. Khi cải táng 2 cụ này thì không để ở Hai nước nữa mà đưa về khu vực làng Kháo, do cụ Đinh Đình Châu và cụ Đinh Văn Hoán bảo quản. Khi cải táng đưa mộ chí của cụ Tổ về thì có nhiều chuyện trở thành huyền thoại vẫn lưu truyền đến ngày nay: “Mộ đào sâu lắm, đào mãi đến 1 hòn đá to bằng phẳng thì để hài cốt xuống đó, khi hạ hài cốt xuống thì cả làng im bặt tiếng gà gáy sáng. Mộ không đắp mô mà san bằng. Phải đào sâu và cải táng như thế, san bằng không đắp mô vì sợ bị người ta khai quật”. Hiện nay mộ cụ tổ đã được Chi 5 (Chi cụ Đinh Hiếu) cải táng đưa về chôn cất tại Khe gấu nay là thôn Yên thuận xã Hưng Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái.
Cũng có di ngôn nói lại là Cụ út thì vào sinh sống ở Nghĩa lộ (Mường Du, sau gọi là Mường Lò) còn 1 trong 2 cụ, (Cụ cả hoặc cụ 2) thì vào sinh sống tại Mường Hồng tức là xã Hồng ca hiện nay và vì một lý do đặc biệt nào đó phải đổi từ họ Đinh sang họ Hà và từ đó đến nay mọi thủ tục, sinh hoạt hiếu hỷ.... đều làm theo phong tục họ Hà (gọi là Hà Pú Để). Tuy là Đinh cải sang Hà và mọi phong tục đều khác nhau, đặc biệt là hiếu, hỷ khác nhau hoàn toàn. Họ Đinh theo tục Lao công - Phục dĩ; Họ Hà theo tục Mo – Then nhưng về quan hệ họ hàng, huyết thống vẫn là một (Đặc biệt con cháu họ Đinh và con cháu họ Hà Pú Để ở Hồng Ca không kết hôn với nhau. Họ Hà ở Hồng Ca có miếu thờ tổ riêng và là họ anh, Họ Đinh Hưng Thịnh là họ em.
Cụ thứ tư vào sinh sống và lập nghiệp tại Văn chấn gặp họ Đinh người Mường, do cư trú lâu năm nên nhận họ Đinh Mường này là anh em và nhận luôn là người Mường. Họ Đinh ở đây cũng có miếu thờ tổ riêng, về phong tục tập quán có nét tương đồng với họ Hà Pú Để Hồng Ca.
Những năm 1975 , 1976 Họ Đinh ở Nam định lên Hưng thịnh xây dựng kinh tế và định cư tại đây đã nhận nhau và kết thành 1 họ Đinh thống nhất ở Hưng Thịnh.
Cùng với sự phát triển của họ Đinh thì một số họ khác có tình cảm gần gũi, gắn bó đã kết nghĩa với họ Đinh đó là Họ Bùi. Từ khi có họ Đinh thì làng Kháo cũng có họ Bùi nên sinh sống lâu với nhau, gắn bó với nhau (từ đời thứ 2 của họ Đinh). Tuy 2 họ khác nhau về tập tục nhưng gắn bó, chung thủy, sống chết có nhau nên kết nghĩa là anh em. Ngoài ra còn có các họ Phạm, họ Vũ, họ Hà .... cũng có tình cảm và gắn kết với họ Đinh.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như chiến tranh bảo vệ chủ quyền biên giới phía bắc, lớp lớp con cháu họ Đinh đã lần lượt lên đường bảo vệ tổ quốc, nhiều người đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh hoặc trở về mang trên mình đầy thương tích của chiến tranh, máu đào của họ đã tô thắm thêm cho lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng Quang vinh, đó là các liệt sỹ: Đinh Công Hữu, Đinh Công Định, Đinh Công Hỹ, Đinh Văn Tâm, Đinh Văn Điệp, Đinh Công Thả, Đinh Văn Hiệu, Đinh Quang Thuần ….Những bà mẹ đã hy sinh những người con cho 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước được nhà nước vinh dang là Bà mẹ VN anh hùng như cụ bà Vũ Thị Mậu, cụ bà Đinh Thị Nghĩa.
Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hòa nhập quốc tế, nhiều con em họ Đinh tiếp tục phát huy truyền thống của dòng họ, chăm chỉ học tập, rèn luyện tu dưỡng, nâng cao trí tuệ để trở thành những người có ích cho gia đình, cho dòng họ, cho quê hương và cho xã hội.